Ý thức còn kém
Không hẳn do hội thảo của Tổng LĐLĐVN tổ chức nhân Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013, mà còn vì TNLĐ luôn là vấn đề nóng nên đại diện Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Bộ CA, các LĐLĐ địa phương, CĐ ngành T.Ư đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm. Báo cáo từ 30/72 địa phương, ngành trên cả nước cho thấy năm 2012 đã xảy ra 5.062 vụ TNLĐ, làm 5.239 người bị thương và 592 người chết (số người chết do TNLĐ tăng 19 người so với năm 2008 là năm hầu hết các địa phương và ngành đều có tổng hợp báo cáo). TNLĐ đang tiếp tục gia tăng, số người thiệt mạng do TNLĐ cũng tiếp tục tăng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người, đặc biệt là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ, còn NLĐ (đa phần là LĐ phổ thông, có tuổi nghề thấp) chưa ý thức và chấp hành tốt các điều kiện đảm bảo an toàn trong LĐ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu thiếu văn hóa an toàn trong LĐ thì TNLĐ sẽ tiếp tục gia tăng và tiếp tục gieo rắc khổ đau không chỉ cho gia đình nạn nhân. Ông Trần Ngọc Bính - Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hải Dương - và một số đại biểu khác cũng nhận định nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do nhận thức, hiểu biết của NSDLĐ và NLĐ về ATVSLĐ - PCCN còn thấp, môi trường làm việc không đảm bảo an toàn..., trong khi NSDLĐ chưa tạo điều kiện đầy đủ để CĐCS và mạng lưới ATVSV hoạt động hiệu quả. Nhiều nơi còn coi nhẹ việc huấn luyện ATVSLĐ cho CNLĐ...
Làm thế nào để có văn hoá ATLĐ?
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “Văn hóa an toàn tại nơi làm việc là văn hóa trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn của NLĐ được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, NSDLĐ và NLĐ đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn thông qua một hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định, trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu”.
Một trong những giải pháp mà Tổng LĐLĐVN đề ra để phát huy trách nhiệm của CĐCS trong việc tăng cường văn hoá an toàn và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN, cháy nổ tại nơi làm việc là CĐCS thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về BHLĐ ở các DN; thông tin kịp thời về các vụ TNLĐ, những nguy cơ TNLĐ cho các cấp CĐ để thông báo cho các DN và NLĐ rút kinh nghiệm và có biện pháp phòng ngừa.
Đại diện CĐ Xây dựng cho rằng xây dựng “Văn hoá ATLĐ” ở DN nhằm tạo ra thói quen làm việc an toàn, thói quen cư xử có văn hoá (chấp hành một cách tự giác) đối với việc thực hiện các quy định ATVSLĐ của DN...Vai trò của CĐCS trong lĩnh vực này hết sức quan trọng. Để thực sự có được “Văn hoá ATLĐ” như mong muốn, CĐCS phải tham gia điều tra, kết luận đầy đủ và kịp thời tất cả các vụ TNLĐ để đề ra được những biện pháp đúng, có hiệu quả về phòng ngừa TNLĐ. Trách nhiệm CĐCS còn được nhấn mạnh ở chỗ thực hiện tốt việc đại diện tập thể NLĐ tham gia xây dựng và ký TƯLĐTT trong đó có các điều khoản về ATVSLĐ; phối hợp với NSDLĐ khuyến khích NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường làm việc; tham gia với NSDLĐ trong việc xây dựng các quy chế, nội quy quản lý về ATVSLĐ...
Theo báo Lao động điện tử