(VEN) - Ngày 31/7/2013, tại vỉa than 643 (phường Vàng Danh, TP. Uông Bí) thuộc Công ty TNHH 1TV than Đồng Vông - Vinacomin xảy ra vụ ngạt khí khiến 3 cán bộ ngành than thiệt mạng trong lò than. Trước đó, hồi tháng 6 trong lĩnh vực khai thác than cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 2 người thiệt mạng.
Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2013, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xảy ra 16 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Những vụ việc trên cho thấy công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong ngành khai thác than – khoáng sản là cực kỳ quan trọng, cần đặc biệt chú trọng.
Những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn cao trong ngành khai thác than - khoáng sản thường gặp là sập lò, sạt lở đất đá, bục nước, bùn, cháy nổ khí mỏ, khí mê tan, đổ máy móc thiết bị.... Bên cạnh đó thì bụi than, đá, kim loại, tư thế lao động gò bó, thiếu dưỡng khí, ánh sáng, say nóng... cũng thường xuyên tác động xấu đến sức khỏe người lao động.
Theo báo cáo phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ của Vinacomin thì nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNLĐ nghiêm trọng vẫn chủ yếu do người lao động vi phạm nội quy lao động; vi phạm quy trình kỹ thuật; còn chủ quan trong công tác ATLĐ. Thêm đó, công tác quản lý còn chưa tốt, việc kiểm soát sản xuất của các đơn vị chưa chặt chẽ, biện pháp kỹ thuật an toàn, quy trình còn chưa thiết thực… .
Ngoài lĩnh vực khai thác than, không thể không kể tới việc mất ATLĐ trong khai thác đá. Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết bên cạnh các mỏ khai thác than và một số mỏ khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng được đầu tư quy mô, tuân thủ đầy đủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật an toàn từ khâu khai thác, vận chuyển đến chế biến vẫn còn nhiều mỏ đá ở các địa phương, quy mô nhỏ - không quá 100.000m3/năm với thời gian khai thác ngắn. Tại những mỏ này, tình trạng phổ biến là không tiến hành thăm dò khoáng sản, không có thiết kế mỏ và có thì cũng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Các mỏ thường không có giám đốc điều hành đảm bảo đủ điều kiện năng lực chuyên môn.... Quy trình khai thác thường mang tính tự phát và làm theo kinh nghiệm. Chính vì vậy, khi TNLĐ xảy ra thì thường xuyên rất nghiêm trọng.
Đáng nói hơn, khi người lao động gặp TNLĐ thì chủ lao động (các cơ sở khai thác tư nhân hoặc trái phép) chi trả rất ít, thậm chí người lao động phải tự trả chi phí y tế và không được bồi thường khi khả năng lao động suy giảm. Trong trường hợp TNLĐ làm chết người, việc bồi thường thường thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và thân nhân người bị nạn, không có các chế độ trợ cấp cho các đối tượng thân nhân là con chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ, vợ hay chồng không còn trong độ tuổi lao động.
Để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như để đạt được mục tiêu Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra đến năm 2015 ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam trở thành ngành có trình độ công nghệ đạt trình độ khu vực, có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề; bảo đảm an toàn lao động... nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp mà các đơn vị liên quan cần phải thực hiện ngay là: Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về ATLĐ, kể cả các chế độ bảo hiểm lao động; Tăng cường, đổi mới phương thức huấn luyện về ATLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động.
Các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động; Chấm dứt khai thác không tuân thủ thiết kế, không đảm bảo các điều kiện ATLĐ, vệ sinh lao động, lãng phí tài nguyên và hủy hoại môi trường; Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo cho đội ngũ giám sát quản đốc, trực ca kiến thức về ATVSLĐ;.../